Tin Tức

Check out market updates

gia long countryside

Đất nền TP.Hồ Chí Minh tăng giá chóng mặt: Có phải “sốt” ảo?

Đất nền TP.Hồ Chí Minh tăng giá chóng mặt: Có phải “sốt” ảo?

Những ngày vừa qua, giới kinh doanh địa ốc giật mình khi chứng kiến cuộc tăng giá nhà đất ngoạn mục tại một số khu vực thuộc quận 9, huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi (TPHCM). Tình trạng giá đất tăng nhanh chóng mặt cũng gây ý kiến trái chiều. Nhiều ý kiến đánh giá đất nền TPHCM đang sốt ảo.

Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM – cho rằng, việc tăng giá đột ngột chỉ xuất hiện cục bộ ở một vài nơi cụ thể chứ chưa phải bộ mặt chung.

Đất nền TP.Hồ Chí Minh tăng giá lên tới 70%.

Báo cáo tiêu điểm quý IV/2016 và triển vọng thị trường bất động sản TPHCM trong năm 2017 của CBRE vừa công bố mới đây cho biết, trong năm 2016, giá chào bán đất nền dự án tại TPHCM đã tăng khá mạnh. Đặc biệt tại các khu vực tâm điểm như quận Thủ Đức, quận 9, quận Bình Tân, quận 12, huyện Bình Chánh… giá chào bán tăng trung bình 20%-40% so với năm trước.

Cụ thể, tại quận 9, giá đất bình quân trên nhiều tuyến đường đã tăng rất mạnh. Chẳng hạn tại:

Đường Gò Cát, giá đất tăng 34%, từ 13 triệu đồng/m2 nhảy vọt lên 17,5 triệu đồng/m2.

Đường Lê Văn Việt giá tăng 42%, từ mốc 42 triệu đồng/m2 đầu năm tăng một mạch lên mức 59,47 triệu đồng/m2.

Đường nội bộ khu Hưng Phú năm ngoái còn ở mức 9 triệu đồng/m2 nay đã tăng gấp đôi lên đến 18,5 triệu đồng/m2.

Đường Lò Lu, nền 50-60m2 có giá 1,5-1,6 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với 12 tháng qua.

Các tuyến đường Bưng Ông Thoàn giá tăng 30%, neo ở mức 36,3 triệu đồng/m2.

Đường Đỗ Xuân Hợp tăng 30%, bình quân 52 triệu đồng/m2.

Xa Lộ Hà Nội đoạn đi qua quận Thủ Đức và quận 9 có giá đất tăng 16%…

Tại huyện Nhà Bè, giá đất nền tại dự án đất nền đã tăng cách đây vài tháng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tại một dự án mới mở bán, giá ban đầu chủ đầu tư tung ra khoảng 18 triệu đồng/m2, thì nay nhiều nền đã tăng giá lên đến 22-26 triệu đồng/m2. Mặc dù giá đẩy lên cao nhưng các nhà đầu tư vẫn liên tục săn lùng.Giá nhà đất nền Củ Chi tính từ đầu năm tới nay, có nơi tăng gần 70%. Tình trạng sốt diễn ra tại khu vực giáp ranh với quận 12, huyện Hóc Môn, Bình Dương và gần các tuyến đường quốc lộ, trung tâm hành chính huyện, hoặc dọc bờ sông Sài Gòn. Thông tin về dự án “khủng” 15.000ha của một tập đoàn và con đường ven sông nối trung tâm thành phố với Củ Chi khiến cho không ít người dân găm đất, không bán, để dò la thông tin.

Đất nền TPHCM tăng thật hay ảo?

Theo CBRE, việc tăng giá chóng mặt này là do trong năm, một số dự án cơ sở hạ tầng đã được hoàn thành giúp tăng cường khả năng kết nối giữa các vùng trong thành phố. Một số đơn vị nghiên cứu khác cũng cho rằng nhiều khả năng trong năm 2017, giá đất khu vực này tiếp tục là điểm nóng với những đợt sóng tăng giá mới mạnh hơn. Tuy nhiên, CBRE lưu ý việc tăng giá mới chỉ được ghi nhận từ bên bán, vì thế không loại trừ khả năng đây là hiện tượng sốt giá ảo.

Giải thích về giá đất chủ yếu tăng mạnh, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, bởi 3 yếu tố. Thứ nhất là yếu tố tâm lý. Nhiều người cho rằng, nguồn cung căn hộ lớn, nhưng đất nền sẽ ngày càng co hẹp nên họ mua đất nền. Những thông tin như Nhà nước sắp cấp sổ cho tách thửa, đại gia sắp làm “siêu dự án”, xây cầu, công trình hạ tầng… cũng tạo hiệu ứng đám đông. Thứ hai, đối với các nhà đầu tư nhỏ, trước đây chưa mạnh dạn đầu tư, song khi thị trường ấm lên thì họ sẵn sàng bỏ ra hàng tỉ đồng mua đất vùng ven để đón sóng. Thứ ba, lợi nhuận từ đất nền cao hơn so với đầu tư sản phẩm căn hộ. Điều này cũng tạo ra động lực để sóng giá đất tăng mạnh và lan rộng hơn.

Nói về hiện tượng giá đất ở một số khu vực tăng bất thường, nhất là các khu vực như quận 9, Thủ Đức, Bình Tân, Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi… ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM – cho rằng một số nơi giá đất được đẩy tăng tới 60% trong thời gian ngắn sau khi các khu vực này có thông tin sẽ lên quận hoặc có dự án hạ tầng cầu đường quy mô đi qua, đó là hiện tượng “sốt ảo”. Điều này chỉ có lợi cho “cò” đất và chủ đất, còn người mua thì nên tỉnh táo để tránh rơi vào bẫy. Tuy vậy, ông Châu quả quyết, khó có tình trạng “bong bóng” trên tổng thể thị trường BĐS. Nếu có thì có thể xảy ra ở phân khúc phân lô, tách thửa hộ lẻ. Ở phân khúc này, “giá bán lại cho người tiêu dùng cuối cùng là một ẩn số khó đoán” – ông Châu nói.

Nhà đầu tư Hà Nội tham gia săn tìm đất nền TPHCM

Ông Dương Đức Hiển – PGĐ bộ phận Kinh doanh nhà ở Savills Hà Nội – đánh giá, một trong những nguyên nhân dẫn đến các nhà đầu tư ở phía Bắc đầu tư vào các dự án phía Nam, đặc biệt là TPHCM, là bởi trong suốt quá trình trong vòng 5-10 năm trở về đây các BĐS phía Nam được phát triển tương đối bài bản và được quản lý rất chuyên nghiệp, nhiều dự án được các chủ đầu tư nước ngoài trực tiếp đầu tư. Đầu tư vào các BĐS phía Nam được nhiều người Hà Nội chuộng, giá thành cho thuê ở các dự án tại phía Nam cũng đạt được mức tương đối tốt so với kỳ vọng và so với một số sản phẩm thông thường tại Hà Nội. “Lợi suất đầu tư phía Nam có hấp dẫn hơn so với Hà Nội. Đó là một trong những lý do làm các sản phẩm ở TPHCM về chất lượng cũng như điều kiện bàn giao tương đối tốt. Thứ hai, các mức giá thành đưa ra rất hợp lý, rất nhiều dự án tại TPHCM có mức giá tương đối rẻ và dễ chấp nhận cùng với các điều kiện tiêu chuẩn bàn giao của họ so với các dự án Hà Nội” – ông Hiển cho hay.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.